Tản mạn về 'Style thợ điện' (đồ bò đồng màu)

Đi sâu tìm hiểu vấn đề tại sao mang đến nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Tuần trước trong group chúng ta có 1 tranh luận nhỏ về vấn đề áo bò quần bò đồng màu - Việt Nam gọi là style thợ điện vì cách phối này rất giống với đồng phục bảo hộ của nhân viên EVN, tương tự như ở NA (Bắc Mĩ - North America) người ta cũng có 1 từ lóng tương đương là Canadian Tuxedo (lễ phục Canada) dùng để chỉ cách mặc đồ này (thường được mặc bởi thợ xẻ - loggers và tài xe tải - truckers, những người làm nghề này ta bắt gặp nhiều ở khu vực ráp gianh Canada & Mĩ.). Từ này cũng giống như ta nói đến ‘đồ thợ điện’ - không mấy khi mang ý nghĩa tích cực.

Nhưng tại sao lại như vậy, tại sao phụ nữ có thể mặc jumpsuit đồng màu, bộ đồ bà ba, váy trơn áo dài trắng không sao? Tại sao nhiều anh đàn ông vẫn mặc toàn đồ đen đồ trắng, đồ suit (veston) cũng áo quần cùng loại vải thì được khen mà tương cả bộ denim thì bị chê như vậy. Trong khi người mẫu của CK hay Levis tụi nó đóng nguyên bộ đồng màu lại không bị chê? Vậy đồ coverall thì sao, đồ vậy làm sao mặc được?

Đây cũng là 1 chủ đề có nhiều cái để mà viết cho anh em đọc chơi, mình sẽ phân tích nhiều hướng khác nhau để làm rõ cái vấn đề phân biệt đối xử với đồ denim này.

Denim là workwear (đồ lao động).

Đầu tiên ta bắt đầu từ vấn đề workwear - quần áo lao động, cũng là bắt nguồn của đồ denim, quần jeans được ra đời để phục vụ những người đãi vàng. Nếu nhìn kĩ những thứ đồ đồng phục lao động quá khứ cho đến hiện tại như công nhân trong nhà máy ráp oto hay đồ điện, y tá hộ lý trong bệnh viện, thợ xây thợ sơn, thợ sửa xe trong hãng… Đồ của họ đa số là đồng màu, đồng chất liệu áo quần.

Gặp người lao động mà mở mồm chê xấu sẽ bật luôn “điên à, người ta đi làm chứ đâu có đi diễn”, và người ta nói đúng chứ không sai. Vậy anh em ai mặc đồ denim làm đồ bảo hộ lao động thì ai chê cứ chửi chết cụ nó luôn, lao động là vinh quang, mặc gì thực tế là được… Nhưng đa số chúng ta mặc denim cho đẹp, là thời trang - nên cái này không làm lí lẽ thuyết phục được.

Nhưng nó lại dẫn đến một cái phản biện ngược lại: muốn cho người ta biết cái bộ đồ denim vừa bẩn vừa rách lại bạc màu này không phải đồ đi lao động, mà là thời trang thì ta phải làm sao? Đơn giản là đừng để nó giống y chang như đồ mặc đi lao động được, tức là né mặc đồng màu. Mình chỉ đưa ra như vậy, còn thấy hợp lí hay không thì xuống comment chúng ta có thể cãi tiếp, về vấn đề để cho người khác cảm nhận được ý đồ (intention) của người mặc luôn ảo ảo, high concept hơn thực tế.

Denim là tự do (freedom) - muốn mặc sao thì mặc.

Chúng ta thường nghe nói, nhưng cũng là thường nhầm lẫn, nhiều khi người ta cũng cố tình dùng nó một cách lập lờ như vậy. Lí do ta gọi denim là symbol of freedom bắt nguồn không quá xa xôi mà mới từ thời kì cuối của chiến tranh lạnh mà thôi.

Nước Nga Xô Viết (USSR) thực sự đã có thời kì cấm hẳn quần jeans như 1 phần của công cuộc ngăn cản sự xâm lấn của lối sống - văn hóa Mĩ. Lệnh cấm này không ngăn cản nổi thanh niên Liên Xô và Đông Âu bằng nhiều cách có được quần jeans, và quần jeans áo bò từ đó được coi là biểu tượng của tự do, trên website của Levis có 1 bài rất dài về chủ đề này, đỉnh điểm có đoạn 1 cô gái vượt qua bức tường Berlin năm 1965 từ Đông Đức sang Tây Đức vì bố cô không cho cô mặc quần jeans.

Cá nhân mình được biết (cậu mình đi du học Liên Xô và mẹ mình đi lao động ở Tiệp thời kì 70s-80s) thì lệnh cấm kia nếu có cũng không hề được thực hiện nghiêm túc, và thanh niên Đông Âu may mặc đồ denim cũng thoải mái như bình thường (quần jeans ống loe các kiểu). Cho nên cái ‘biểu tượng tự do’ này 1 phần cũng là tuyên truyền của báo đài Tây Âu - Mĩ mà thôi, chứ không thực sự chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử như vậy.

Còn bản thân denim không mang ý nghĩa tự do nếu ta tách nó khỏi sự dính líu tới thời kì chiến tranh lạnh kia. Nếu nói nó là quần áo của tự do thì mình nghĩ nó không vượt qua được áo da biker, vật phẩm đi liền với anarchy (phong trào vô chính phủ), rebel (nổi loạn) và sự tự do của người chạy moto (so với otô).

Tương phản & điểm nhấn (contrast & highlight).

Như đã đặt ra câu hỏi ngay từ đầu, không thiếu các loại quần áo khác có thể mặc được nguyên cả bộ đồng màu, vậy tại sao 1 bộ denim đồng màu lại bị dis như vậy khi chụp up lên mạng? Vậy ta thử phân tích 1 số loại quần áo khác xem tương phản và điểm nhấn của nó ở đâu:

Suit (vét) Khi bạn mặc suit thì shirt (áo sơmi), tie (cravat), accessories (phụ kiện) như pocketsquare (khăn nhét túi) hay hoa cài áo, kẹp cravat, cufflinks (măng sét) vân vân sẽ là những chỗ để tạo điểm nhấn và tương phản cho bộ đồ, chưa kể bản thân lapel (ve áo) cũng rất nhiều chi tiết rồi, thêm quá nhiều chi tiết có thể gây rối mắt (trend hiện tại đồ suit còn bỏ dây lưng vì tạo break không cần thiết cắt đi sự liền mạch của bộ đồ).

Jumpsuit (nữ) Thường dùng vật liệu nhẹ lả lướt tạo sự phấp phới khi di chuyển - điểm nhấn chính là đường nét cơ thể ẩn hiện bên dưới, vai trần hoặc hở lưng, có thể đi kèm với belt vải chiết ngay eo tự nhiên hoặc da đính đủ thứ trên khóa để tạo điểm nhấn, hơn nữa thường dùng các màu rất nổi và đối lập với màu da.

Bộ đồ bà ba, áo dài Những bộ thêu rồng phượng thì không nói làm gì, nhưng kể cả những bộ trơn, bạn để ý kĩ sẽ thấy mấy món đồ truyền thống này may rất gắt: tà có thể thướt tha nhưng cổ nách eo ngực mông chiết bóp nghẹt thở căng tràn (sexy!), nhỡ mập lên 1-2kg là khỏi mặc. Tương phản chính là độ drape các phần của cùng 1 bộ đồ.

Nếu để ý kĩ sẽ thấy áo dài nam quần áo tường luôn khác màu hay đồ mặc hằng ngày như áo nâu áo xám sẽ đi với quần đen - vì khi thiếu vắng những đường cắt sát rạt thì ngay lập tức tương phản ở drape sẽ được chuyển qua tương phản màu sắc. Trừ đồ phật tử là đồng màu trầm ổn ra, phục trang trong lịch sử không hề thiếu sự đầu tư cẩn trọng về mĩ thuật, có điều ta đã quen thuộc nên không nhận ra thôi, nhưng nếu khác đi là thấy kì kì, xấu hơn lập tức.

Đồ darkwear, high fashion, techwear full cây đen, trắng, đỏ, xám… Chúng ta nói tới đây rồi chắc các bạn cũng hiểu tương phản hay điểm nhấn có thể diễn ra ở rất nhiều phương diện khác nhau, bạn cứ nhìn lại tất cả các outfit đẹp được nhiều like share, thật khó có bộ nào không có sự tương phản giữa quần áo với nhau hay quần áo với phụ kiện, hay với cơ thể người mặc… Rất nhiều điểm nhấn khiến ta tập trung vào nó: từ đường cắt, dáng áo đến chất liệu, một khi ta để ý tìm thì sẽ nhìn thấy nó lộ rõ rành rành.

Nếu thiếu đi sự tương phản và các điểm nhấn thì rất khó để có được outfit đẹp. Đây là quy luật về mĩ thuật cơ bản chứ không chỉ riêng trong thời trang mà thôi.

Quay lại đồ denim đồng màu, hay denim 1 mảnh như coverall hay váy bò, tại sao thiếu điểm nhấn, tại sao bị chê (dưới góc nhìn mĩ thuật thuần túy) và khắc phục như thế nào.

Thông thường khi ta mặc nguyên 1 bộ denim, ít ai mặc quần skinny với áo relax fit hay ngược lại mà đa số chọn fit gần tương đương nhau. Mà đồ denim trên 90% là cotton nên độ khác biệt giữa các fit gần tương đương nhau thì không nhiều - vậy tương phản về fit & drape của bộ đồ khó lòng có thể thực hiện được

Còn về điểm nhấn bằng chi tiết thì thế nào, thực tế thì áo jacket với quần jeans chưa thấy ai làm nhiều chi tiết điểm nhấn nổi bật (trừ áo patchwork, đính pin, vẩy sơn hay thêu thùa lên thì nổi bật thực sự - nhưng lúc đó người mặc đã không bị nhìn như bộ đồ thợ điện nữa rồi) hơn nữa độ phủ cơ thể gần như toàn diện: khi cài cúc vào thì che phủ hết chừa ra hai bàn tay với cái đầu, tạo ra tương phản với da thịt cũng khó.

Hơn nữa cũng không có nhiều phụ kiện trang trí khả dĩ cài được vào áo quần ngoại trừ dây lưng và ví kèm theo cọng dây da. Rất khó tạo thành điểm nhấn nổi bật trên áo quần mà không cần đến sự trợ giúp về màu sắc, kể cả khi áo neppy hay quần slub cũng không giúp được nhiều khi nhìn từ khoảng cách xa. Chưa kể các chi tiết trang trí áo jacket truyền thống và quần jeans cũng chưa bao giờ được đánh giá cao về sự phối hợp lẫn nhau trong lịch sử tồn tại của chúng.

Hiệu quả nhất để tạo ra tương phản, điểm nhấn trong outfit denim cuối cùng vẫn là tương phản trong màu sắc và cấp độ. Đơn giản vì outfit denim thiếu vắng những phương pháp tạo nên tương phản và điểm nhấn khác vẫn thường được áp dụng trong các loại phục trang. Quay lại thì vẫn như cũ, tức là xưa nay các bậc cha chú dạy ta tránh mặc đồ bò quần áo đồng màu là chuẩn cmnr, đưa ra luận điểm lòng vòng cũng quay lại với nó mà thôi.

Kết

Tất nhiên mình không bảo là không thể mặc 1 bộ đồng màu, bạn có thể mặc 1 cái áo thun hay sơmi màu nổi hơn hoặc chìm hơn bên trong để tạo điểm nhấn (nhớ đừng cài hết nguyên hàng cúc che luôn áo trong ở trường hợp này), hoặc đơn giản là không quan tâm, thích thì mặc, thích giống các anh thợ điện. Nhưng mình muốn chỉ ra là mặc như thế không thể hiện được hết vẻ đẹp của món đồ denim, giống như trang bị 2 món cùng thuộc tính nên bị penalty trong game vậy đó, đấy không phải cách tốt nhất để mặc đồ denim xét theo mọi hệ quy chiếu. Dĩ nhiên khi bạn thích khác người thì mọi người sẽ không like, không thả tim, nói nọ nói kia, cái đó là đương nhiên, chứ đừng lấy làm buồn phiền quá, có chơi có chịu mà.

Bài viết được thực hiện lần đầu trên content platform mới, không tránh khỏi có chỗ sai sót/ chưa tốt, xin các bạn thông cảm.

VNRD - Vietnam Workwear & Denim Team

Xem Thêm