Toàn tập về fit [phần 3] - Fit áo jacket cơ bản & cách chỉnh sửa

Áo nào cũng vừa, áo nào cũng không vừa.

Bài viết về fit quần jeans sẽ là bài viết dài nhất, có đầu tư nhất và đầy đủ nhất để cover hết toàn bộ những gì anh em cần biết khi lựa mua quần nên sẽ để dành đến sau cùng (thật ra hiện tại cũng chưa viết xong) - thôi viết tạm bài về áo jacket trước đi, căn bản vì lượng fit nó cũng ít hơn và nếu fit không tốt thì khả năng sửa chữa cũng thấp (chủ yếu là mua hay không mua, chỉnh sửa thì hi hữu bị nhẹ thì sửa, bị fit lên người lỗi nặng tốt nhất hãy bỏ qua, dù kèo thơm thương hiệu tên tuổi đến mấy đi nữa)

LƯU Ý: Fit đồ có tính tương đối trên cơ thể mỗi người. Khoan hãy nói đến béo gầy, vì đã quá dễ nhận thấy rồi, 2 người cùng cao 1m7 nhưng độ rộng vai và độ dài tay có thể khác nhau lên đến 4-5cm là chuyện bình thường, nên tất cả những gì mình viết ở đây đều phải so với bản thân mỗi người, rất khó để nói đồ hãng nào fit ngon fit dở hoặc mua theo người khác được.

Denim jacket fit có 3 tiêu chí chính3 tiêu chí phụ. Có nhiều bạn biết lựa đồ rất đẹp và fit không cần nhìn tiêu chí, bốc món nào là đẹp món đó thì đó là người ta có mắt thẩm mĩ xịn rồi không nói, đa số mọi người chúng ta nên thử không nên ướm, vì có khi chỉ 5mm cũng là giữa vừa với không xỏ được khi mua những món có xu hướng ôm skinny.

A. 3 tiêu chí fit chính:

A.1 Độ dài thân áo

Nói chung áo jacket fit khá dễ chịu, về cơ bản yêu cầu độ dài áo khoác bằng hoặc ngắn hơn áo sơmi/thun bên trong nếu áo trong bỏ ngoài quần. độ dài chuẩn áo khoác nằm ở tầm ngang xương chậu, không vượt quá 12 khoảng cách từ bẹn đến rốn, ngồi xuống ghế tư thế chồm về trước thì không bị ngồi đè lên tà áo sau.

Nếu áo jacket dài, bạn có thể mặc áo trong dài hơn vẫn ok, nếu đóng thùng áo trong thì tốt nhất áo ngoài ngắn ngang dây lưng làm chuẩn. Khi áo bị dài sẽ làm cho chân ngắn lại, lưng dài ra nhìn người sẽ thiếu cân đối (trừ khi bạn tự tin chân dài tới nách).

Nếu áo jacket ngắn thì thật sự không quá quan trọng như áo bị dài, nhưng mà đừng ngắn quá, cá nhân mình cảm thấy ngắn trên rốn rất khó phối đồ, người ta kêu bằng cosplay nhân vật trong anime (giống trong Attack on Titan hay Yugioh ấy). Trừ khi quần áo còn lại trên người đều quằn quại, còn không thì né càng xa càng tốt, vì ngắn rồi thì đâu sửa cho dài ra được.

A.2 Độ dài/rộng/tapper tay áo

Trong 3 điểm cần xem xét thì mình đánh giá độ rộng tay áo là quan trọng nhất.

Nếu tay áo rộng và vải mềm rủ xuống là nhìn ra thành áo cánh dơi của chị em ngay. Khi chọn tay áo rộng hẹp nên để ý lối ăn mặc của bản thân: nếu hay mặc áo thun thì mua tay áo ôm sát chút, nếu mặc áo dài tay thì chọn tay áo thoải mái nhiều ở phần ống và cổ tay - tránh xỏ vô áo trong bị đùn phải thò tay kéo ra.

Khi gập tay, khoanh tay nhất thiết không để bị tức ở khoeo tay hay cùi chỏ, vì có thể dẫn đến thiếu lưu thông máu xuống bàn tay gây tê tay, về lâu dài không có lợi cho sức khỏe. Độ rộng cổ tay áo cũng cần xem xét cả khi có cài cúc lẫn không cài cúc - ví dụ đeo đồng hồ có cài cúc được không, cài cúc lại có rút tay đc không, khi không cài cúc có bị lùng bùng không, xắn lên dễ hay khó.

Độ dài tay áo thì nó liên đới đến độ dài thân áo, áo thân dài thì tay cũng dài, áo thân ngắn tay dài cũng không ít, nhưng hiếm khi mà thấy thân dài tay ngắn. Khi chọn tay áo thì tiêu chuẩn trung bình là phủ 13 bàn tay, nếu ngắn thì không ngắn quá khỏi cổ tay 2-3cm. Trời VN thì nắng, nên nếu thích dài để che nắng cũng không vấn đề - có điều nếu đã dài thì cổ tay áo khi cài cúc phải chặn lại được không xệ xuống che mu bàn tay. Những kiểu phá cách dài che hết bàn tay thì là không theo chuẩn, không tính. Cái này không có đúng sai rõ ràng.

Tapper là độ côn tay áo, ví dụ có thể nách áo to - cổ tay áo nhỏ,hoặc thẳng đuột luôn. Ai tập tạ bắp tay to sẽ thích tapper nhiều, ai hay xắn áo sẽ không thích tapper mạnh vì xắn lên khó và bị đùn khi cuộn. Nếu tay áo thẳng thì phần cẳng tay có thể bị rộng - có thể không phù hợp khi mặc cùng quần skinny, slimfit, cái đó cũng phải tính. Cái này cũng không có đúng sai.

A.3 Độ rộng vai áo

Cái này tùy ý, anh em cảm thấy thích như thế nào mặc thế đấy, tiêu chuẩn là điểm nối vai áo ra khỏi đỉnh vai 1 chút xíu, nhưng mà còn tùy thuộc độ dày áo mặc bên trong, độ rộng nách và độ to tay vai nữa. Tuy là tùy ý chọn, nhưng thành bại của fit phụ thuộc vào nó rất lớn, nên lúc mua nhớ coi và tính cho kĩ.

B. 3 tiêu chí phụ:

B.1 vòng ngực/vòng thân áo:

Tại sao vòng ngực lại xếp vào tiêu chí phụ, vì rằng có nhiều khi mặc áo không cần cài được cúc mà nó vẫn đẹp, nhiều anh em mặc denim jacket cũng không bao giờ cài cúc luôn. Fit được cả 5 tiêu chí thì tốt, nhưng nếu 2 tiêu chí phụ không fit thì vẫn chơi được.

Áo cài không được cúc hoặc cài vào bị giằng thành chữ x ngay cúc ngực hoặc cúc giữa áo thì là chật. Áo mặc vào cài nút xong có lùng bùng ở ngực áo không ép phẳng theo thân người hoặc lùng bùng lấy tay kẹp lại được ở 2 bên nách thì là bị rộng.

Túm lại áo chật cài không được cúc áo không thì do bạn quyết định có đủ ngon để múc không, nhưng nếu áo rộng thì nên bỏ qua, vì khi không cài cúc có thể dẫn đến 2 tà áo đè lên nhau hoặc lưng áo không phẳng nhìn khá kì, trừ khi áo vốn là làm fit oversize.

B.2 độ rộng nách áo:

Nách áo chật sẽ rất khó cử động, không giơ tay cao được, ngồi lái xe có thể cấn vướng, vòng tay ôm gái bị sượng không tự nhiên… ít nhất từ nách người mặc xuống tới nách áo cũng phải được 2.5-3cm nếu vải không có pha thun, hoặc 2cm nếu vải có pha thun.

B.3 độ cao túi áo:

Đây là chi tiết rất nhỏ nhưng khi sai lệch đi, nhìn cái áo sẽ “kì kì” ngay lập tức. Túi ngực tốt nhất là nằm hoàn toàn trên ngực (áo type 3) hoặc nếu túi mổ thì miệng túi thấp nhất là tới ngang vị trí đo vòng ngực (ngang vú), nếu thấp hơn thì túi áo lúc nào cũng là dày hơn phần còn lại của vạt áo, nằm ngang vị trí hõm chia cắt ngực và thân ngưaời sẽ bị méo ra méo vào nhìn khá kì cục. Với áo type 1 type 2 thì tốt nhất là nếu túi áo đã thấp thì thấp hẳn xuống dưới ngực, đừng để nằm lưng chừng lùng bùng người.

So sánh các fit áo theo thị giác:

Standard/Relax fit:

Áo khoác denim là lớp gần ngoài cùng với bên phương tây - bên trong thường có áo flannel hoặc sweater rồi trong cùng là tee, bên ngoài denim jacket có thể là raincoat hoặc áo chống rét. Vì thế nên fit thông thường cũng sẽ là hơi relax (để mặc các lớp bên trong rồi khoác lên không bị cộm) - vai áo sẽ ngoài chóp vai 1 tí, tay áo rộng 1 tí, thân cũng to 1 tí nhưng dài thì chỉ dài vừa đủ, khi ngồi xuống tà sau không chạm ghế.

Skinny/Slim fit:

Khi mặc chỉ 1 lớp áo thun ngắn tay, mà tròng vào thấy nó bó khít theo người, vai nối ngay đỉnh vai tự nhiên thì đó chính là fit này. Nên lưu ý là skinny hãng này có khi là slim của hãng khác - nên thử hoặc coi số đo, vì khái niệm nào là skinny nào là slim khá mù mờ. Hiện tại thì fit này đang là fit thịnh hành nhất, đặc biệt ở khu vực châu Á, một phần cũng do fit này không yêu cầu vải cứng đứng dáng, có thể may vải mỏng có thun mặc vẫn ok.

Oversize fit:

Fit này dạo gần đây nổi lên lềnh phềnh cùng với sự phát triển của street style với cả các idol bên Hàn, mặc chung với quần từ ống thẳng loe đến skinny chơi tuốt luốt hết. Mình không chơi món này nên nói có khi sai lại ăn chửi, thôi show cái hình đc rồi. Nhưng mà để ý kĩ thì thân áo cũng không dài, có khi còn ngắn so với tổng thể áo, không thật sự là cái áo size to tròng vào đâu, mà người ta sản xuất cũng tính toán hết rồi.

Về vấn đề chỉnh sửa:

Như đã nói, sửa áo denim rất khó, sửa xong chưa chắc đã ưng, nhưng thôi cách sửa thì cũng liệt kê ra đây để biết. Bị nhỏ thì không sửa đc, bỏ qua 1 bên. Giờ đến bị to: tay áo và thân áo nó liền nhau ngay nách, nếu cắt là cả 3 thứ bị thay đổi: rộng ống tay áo - rộng nách - rộng thân.

Ống tay có thể côn 1 tí, thân áo có thể côn 1 tí, mục đích là giữ rộng nách. Nhưng nếu không muốn phá dáng áo thì chắc chắn cũng không côn được quá nhiều - vậy nếu thấy áo mình thích thì cũng chỉ loanh quanh trên 1 size hoặc dài rộng tí xíu thôi còn chơi được. Phần ngực áo có thể thu bớt cho cân đối, chỉ dỡ ra khâu lại cũng nhiều, mình làm thử 1 lần và thấy phía trong tè le hết, anh em mà thích món hàng đẹp như zin chắc khó.

Một lưu ý khác nữa với áo đã wash là sửa xong vết wash sẽ không trùng nữa, cái này cũng là cái lưu ý, nhìn đường wash bị lẹm miếng cũng không hấp dẫn lắm.

Kết:

Anh em thử áo nên thử cho kĩ, nhớ để ý mình có mặc với áo dài tay bên trong, có cấn hay khó chịu chỗ nào không, nếu muốn sửa thì sửa nhiều hay ít, đem về sẽ phối với những món đồ ở nhà như quần fit khác thì nó có còn đẹp không… hết. Giữ cái đầu lạnh 1 chút, đồ đẹp còn nhiều lắm không cần mua cố 1 món không fit, phải sẵn sàng bỏ qua cái gì mặc không hạp.

VNRD - Vietnam Workwear & Denim Team

Xem Thêm