Toàn tập về fit [phần 1] - Khái niệm, mục đích của fit

Fit hay không fit? Câu trả lời đến từ đâu và từ ai.

Bài viết hoàn toàn chỉ có chữ không có hình (cho tới tận phần 3 và phần 4), ai thích nghiên cứu các vấn đề khô khan thì đọc, mình cũng biết là cái này đi sâu vào lí thuyết nên mình không ép, ai thấy không thích có thể bỏ qua.

Danh sách tất cả các phần:

  • [phần 1] Khái niệm, mục đích của fit.
  • [phần 2] Phá cách về fit.
  • [phần 3] Fit áo jacket cơ bản & cách chỉnh sửa khi không fit.
  • [phần 4] Fit quần jeans cơ bản & cách chỉnh sửa khi không fit.
  • [phần 5] Fit giày / bốt cơ bản & cách chỉnh sửa khi không fit.

Fit, dịch ra tiếng việt là “mặc vừa”, nhưng “mặc vừa” không thể hiện hết được nội dung từ “fit” này bao trùm, nên trong bài này mình sẽ dùng “fit” chứ không dùng “mặc vừa” là 1 thành phần cơ bản của việc mặc quần áo hằng ngày, cơ bản hơn cả yếu tố thời trang thẩm mĩ, từ lúc bố mẹ mua tã cho bạn thì tã đã có size để lựa chọn rồi. Fit có mặt từ thuở sơ khai của của quần áo khi chúng ta còn ăn lông ở lỗ. Nhưng tất nhiên chúng ta không chỉ dừng lại ở chỗ mặc vào được là fit, theo quá trình lịch sử, các yếu tố sau đây dần dần được đưa vào khái niệm fit.

Ở đây mình sẽ liệt kê 6 tiêu chí của fit, đi từ cái cơ bản nhất đến cái trừu tượng nhất:

1. Fit là có thể sử dụng được món đồ:

Khái niệm cơ bản nhất có mặt gần như cùng lúc với sự ra đời của quần áo, không vừa thì không mặc được, áo nhỏ ko chui vừa, quần to bị tụt là không fit, thật là hiển nhiên.

2. Fit là cảm thấy thoải mái khi mặc món đồ lên người:

Cũng quá cơ bản, áo quần bó thì khó chịu, thùng thình thì vướng víu, cái này cũng hiển nhiên không kém và tồn tại từ khi con người biết dùng quần áo. Thoải mái còn có nghĩa là không gây bệnh tật hay ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng về lâu dài (ví dụ như giày không fit đi đau chân, quần chật quá gây đau trứng,…)

3. Fit là mặc lên người không bị thừa chỗ nọ thiếu chỗ kia trái với thiết kế vật lí của món đồ:

Cái này bắt đầu hết không còn cơ bản nữa. Ví dụ bạn mua 1 cái quần jeans mặc vào được không tụt không bó cử động thoải mái - đó là thỏa mãn 1 và 2, nhưng mông bạn bé nên nó đít quần nó xệ xuống - không giống mong đợi, không giống như người ta quảng cáo trên người mẫu. Đó là không fit.

Giờ tới những tiêu chí fit phức tạp nè:

4. Fit là món đồ che được khuyết điểm, nổi bật ưu điểm hình thể người mặc:

Ví dụ giống cái 3, nhưng bạn chọn được quần vòng mông nhỏ hơn bình thường, đáy cao hơn, lưng cao hơn nên nó ôm vào cặp mông bé của bạn, không chỉ vừa vặn như mẫu mặc lên mà ngoài ra nó còn làm mông bạn tròn trịa hơn, thu hút hơn với người khác giới (và cả đồng giới) - thì đó là fit theo tiêu chí thứ 4.

Bắt đầu từ tiêu chí thứ 4 này, nó có thể phủ định các yếu tố cơ bản hơn nó: bạn có thể thấy 1 cái quần không thoải mái, bó nát 2 trái trứng nhưng làm chân bạn nhìn dài ra nên bạn thích mặc nó (phủ định tiêu chí thứ 2 và thứ 3, và phủ định cả khả năng có con của bạn như tiêu chí thứ 1 cố gắng vãn hồi).

5. Fit là món đồ thể hiện được đúng ý đồ thẩm mĩ của người thiết kế:

Cái này có thể nhìn thấy rõ ràng nhất trong Lookbook của các hãng thời trang cao cấp hoặc startup (khi toàn bộ sản phẩm nằm trong tầm ảnh hưởng của 1 hay vài nhà thiết kế mà không phải chạy theo nghiên cứu thị trường như các hãng lớn) - bạn có thể thấy những cái áo oversize dài đến gối phủ cả bàn tay, quần đít xệ đến bắp chân hay kính mát che hết cả khuôn mặt, vân vân… đó là ý đồ thẩm mĩ của người thiết kế, vậy nếu mặc lên không vừa (tiêu chí 1), không thoải mái (tiêu chí 2), thiếu thừa khắp nơi (tiêu chí 3) lộ rõ khuyết điểm (tiêu chí 4) mà đúng như người thiết kế ra muốn làm, thì rõ ràng là cứ vậy mà làm.

6. Fit là món đồ thể hiện được đúng ý đồ thẩm mĩ của người mặc:

Đến 1 lúc nào đó, bạn có thể nói kệ đứa thiết kế muốn gì, tao muốn mặc thế này và tao thấy đẹp, thì đó là fit theo yếu tố thứ 6: yếu tố cuối cùng, mạnh mẽ nhất, luôn có thể phủ định tất cả mấy cái yếu tố còn lại.

Nghe đến đây các bạn có thể nghĩ là phải người nắm thời trang thế giới trong lòng bàn tay mới làm đc, phải kiến thức ghê gớm như nào mới dám qua mặt nhà thiết kế như vậy, nhưng nhiều trào lưu phổ biến bắt nguồn từ cái đi ngược lại như vậy của chính người dùng: những đôi giày basketball, áo lính, quần áo denim được đem vào thời trang hằng ngày cũng xuất phát từ người dùng tự muốn như thế chứ không phải từ nhà thiết kế chuyên nghiệp nào cả. Văn hóa rap, hip hop mặc đồ rộng thùng thình đến độ quần tụt trên mỗi bước chân cũng là ý đồ của người mặc chứ đâu phải cái gì xa lạ.

Quy nạp

Các bạn có thể thấy càng đi vào các tiêu chí sau thì càng trừu tượng hơn và ít quy luật hơn, cũng vì thế việc đánh giá sẽ càng mang tính chủ quan hơn. Bạn mặc không vừa và phán cái áo này không fit thì không ai nói gì bạn. Nhưng bạn mặc cái áo bó lòi đầu ti ra và nói với xã hội rằng mặc cái món này phải vậy mới đúng theo lookbook của 1 nhà thiết kế high fashion nào đó thì xã hội sẽ xa lánh bạn như bạn đã xa lánh tiêu chuẩn chung của xã hội. Còn bạn dám mặc 1 món đồ đi ngược với người thiết kế ra nó thì hãy sẵn sàng để ăn no gạch từ cả người thường lẫn fan của nhà thiết kế đó (nếu bạn đẹp trai như 1 vị thần hoặc xinh gái như idol hàn quốc thì sẽ đỡ hơn chút, còn xấu trai xí gái nữa thì thôi, chúc may mắn).

Trên đây là phần lí thuyết vĩ mô, còn vi mô đi vào xã hội đánh giá như thế nào, phản ứng làm sao, tiêu chí đánh giá là gì để còn biết mà bật nhau thì hãy đợi đọc phần 2.

VNRD - Vietnam Workwear & Denim Team

Xem Thêm